Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng, trong những năm cả nước kháng chiến chống Mỹ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, người thanh niên Phạm Khắc Hà hăng hái lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Nhờ có sức khỏe và thể hiện được sự thông minh khéo léo trong quá trình huấn luyện, Phạm Khắc Hà được tuyển chọn vào đơn vị Binh chủng Đặc công.
Cơ sở sản xuất lụa Phúc Hưng do ông Phạm Khắc Hà làm chủ.
Đây là Binh chủng trẻ nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam thời đó nhưng lại nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quá trình tác chiến. Binh chủng này được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ví rằng: “Binh chủng Đặc công là Binh chủng không quân chiến lược đi chân đất không có máy bay”. Đặc biệt, trong quá trình chiến đấu, đơn vị của ông đạt được nhiều chiến công. Bản thân ông đã nỗ lực hết mình và đã nhận được nhiều bằng khen của đơn vị như: Danh hiệu dũng sĩ xung kích, tham gia nhiều hoạt động trong quá trình tác chiến.
Sau 8 năm chiến đấu, rời chiến trường trở về quê hương, mặc dù mang trên người thương tích của chiến tranh nhưng ông vẫn không lùi bước trước những khó khăn, vất vả, hăng hái tham gia vào phát triển kinh tế lao động sản xuất ở địa phương. Thời điểm này nền kinh tế nước ta đang trong thời kì bao cấp, cuộc sống gia đình khó khăn. Gia đình ông ngoài làm nông nghiệp còn có nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống lâu đời.
Doanh nhân, Cựu chiến binh Phạm Khắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.
Thời điểm này sản phẩm người dân làm ra không tiêu thụ được bởi giá thành của sản phẩm cao hơn nhiều so với các loại vải khác. Nhiều gia đình ở địa phương có ý định bỏ nghề. Họ bán máy dệt, gỡ bỏ khung cửi, bỏ làng đi xứ khác làm thuê, kiếm sống. Nhưng ông Phạm Khắc Hà kiên quyết giữ nghề. Không chỉ bởi gia đình ông đã có ít nhất 5 đời làm nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống mà bản thân ông từ khi lên 10, tuổi thơ đã gắn liền với những sợi tơ, tiếng thoi dệt lụa. Bởi lẽ, ông cho rằng phải giữ lấy nghề vì nghề là máu thịt, mồ hôi, xương cốt cha ông làng Vạn Phúc để lại. Tâm huyết với nghề, sống chết với nghề, coi nghề như người bạn tri kỉ, chúng ta có thể thấy được đây là một phẩm chất đáng quý của ông.
Năm 1991, Nhà nước có định hướng phát triển nền kinh tế thị trường thay cho cơ chế bao cấp lâu đời. Nắm bắt cơ hội này, ông bàn với gia đình chuyển đổi mô hình kinh doanh. Và ông cũng chính là người tiên phong trong phong trào sản xuất tư nhân ở địa phương. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, ông quyết định vào miền Nam để mua công cụ sản xuất, kết hợp tìm hiểu thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống. Tuy nhiên, thời điểm này sản phẩm lụa tơ tằm vẫn do Nhà nước quản lý, coi là hàng quốc cấm nên việc mua bán, trao đổi không được tự do, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển thị trường lụa.
Không nản chí, ông luôn tìm hiểu thị trường cho sản phẩm lụa tơ tằm. Đặc biệt là khu vưc tập trung lượng khách du lịch lớn, ưa thích những sản phẩm truyền thống như ở Bờ Hồ. Nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của khách, ông Hà đưa sản phẩm lụa tơ tằm vào các cửa hàng thời trang giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Để tạo ra sự khác biệt, ngoài những sản phẩm, mẫu mã truyền thống lâu đời, ông còn sáng tạo thêm các sản phẩm mới.
Những sản phẩm lụa chất lượng cao của làng Vạn Phúc.
Sản phẩm lụa hoa dây ra đời trên ý tưởng mô tả nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam. Đó là hàng lụa mỏng, có hoa nổi, hoa chìm, hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, hoa chìm phải soi qua ánh sáng mới thấy được. Sản phẩm mang nét đặc trưng riêng biệt của Thương hiệu Phúc Hưng – cơ sở sản xuất của ông nói riêng và làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông nói chung.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Phạm Khắc Hà quyết định đổi mới hình thức sản xuất. Thay vì sản xuất bằng thủ công, dùng sức người là chính ông đầu tư máy móc, kỹ thuật vào sản xuất, vừa tiết kiệm được nhân lực, lại hạ giá thành sản phẩm. Nhờ vậy, sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường càng lớn hơn. Năm 2015 đã đưa được thương hiệu vào biên bản, tạo niềm tin cho khách hàng khi mua sản phẩm lụa Hà Đông có thương hiệu rõ ràng. Hiện nay các hộ kinh doanh lụa cũng đã bắt đầu tạo cho mình một ký hiệu của sản phẩm do mình làm ra. Để khi khách hàng có phản hồi về sản phẩm thì sẽ biết rõ hơn sản phẩm này là của hộ gia đình nào. Đó cũng chính là cách làm để tạo niềm tin cũng như giữ uy tín đối với khách hàng khi mua sản phẩm lụa Hà Đông.
Ngoài chú trọng phát triển kinh tế, ông Phạm Khắc Hà còn hỗ trợ đào tạo nghề cho thế hệ trẻ ở địa phương. Mong muốn của ông là không ngừng mở rộng, phát triển nghề dệt truyền thống Vạn Phúc, không để bị mai một mà trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân, làm giàu cho quê hương.
Những sản phẩm lụa chất lượng cao của làng Vạn Phúc.
Nhờ những đóng góp tích cực trong lĩnh vực phát triển làng nghề truyền thống mà ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc. Và vinh dự được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng Nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2013. Đặc biệt năm 2015, ông là nghệ nhân duy nhất được vinh danh Bảng vàng gia tộc, được Ban Tổ chức.
Là một thương binh nặng, nhưng ông vẫn luôn miệt mài lao động, hăng hái trong các hoạt động phong trào quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm làng nghề lụa Vạn Phúc ra thị trường, góp phần đáng kể vào sự phát triển của làng nghề. Năm 2015, ông là một trong những Cựu chiến binh tiêu biểu được Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Hà Nội chứng nhận Danh hiệu “Thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi Thủ đô”. Cơ sở sản xuất lụa Phúc Hưng do ông làm chủ không chỉ tạo được thương hiệu trong làng lụa Vạn Phúc, mà khách còn được du khách trong và ngoài nước biết đến với chất lượng cao, mẫu mã sản phẩm bền đẹp do cơ sở sản xuất.
Có thể nói, những đóng góp nhỏ bé của Doanh nhân, Thương binh, Cựu chiến binh Phạm Khắc Hà đối với nghề, với làng lụa, với địa phương và với đất nước lại không hề nhỏ bé góp phần vào xây dựng sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên với ông vẫn còn một chút trăn trở đó là: ý thức của người dân còn hạn chế vì vậy ngành dệt vẫn còn chưa phát huy hết khả năng về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm. Hy vọng rằng những năm tiếp theo thế hệ trẻ nối tiếp nghề truyền thống và tâm huyết với nghề, do đó ý thức trong việc học hỏi để phát triển mạnh hơn đưa thương hiệu lụa Hà Đông bay xa hơn sánh kịp với sản phẩm lụa trong nước và quốc tế.
Nguồn: Gia Đình & Pháp Luật